Kiểm tra miễn phíĐăng ký kiểm tra và tư vấn miễn phí

Kĩ thuật học nghe hiểu tiếng Anh (Phần 2)


KỸ THUẬT NGHE TRỌNG ÂM

Cách nghe của người Anh là nghe trọng âm, tức là nghe những từ quan trọng trong câu.
Vậy quy trình hiểu một thông điệp qua nghe có hai bước:

1. Nắm bắt những từ có trọng âm câu.
2. Ghép nghĩa của các từ có trọng âm ấy lại với nhau để đoán nghĩa cả câu.
Hai quy trình này xảy ra trong tích tắc. Vì thế ngay từ đầu chúng ta phải luyện tập một cách kiên trì, nếu không thì sẽ quay trở lại thói quen cũ là nghe từng từ.
Khi vào thực tiễn giao tiếp chúng ta sẽ thấy có hai cái khó: một là người Anh nói rất nhanh, và hai là không phải người Anh sẽ nhấn mạnh vào những trọng âm câu thật to thật mạnh. Họ nói tự nhiên hơn, nghĩa là có nhấn mạnh nhưng không dằn mạnh vào trọng âm.
Kiểu nghe trọng âm này giúp ta giảm nhẹ gánh nặng phải nghe những từ không quan trọng trong câu, đặc biệt những câu có trọng âm tương phản, tức người nói chỉ nhấn mạnh vào yếu tố mới xuất hiện mà thôi.
Với những trọng âm bắt được, kết hợp với văn cảnh, tình huống giao tiếp chúng ta có thể hiểu được nội dung thông điệp.
Trong môi trường bản ngữ, điều kiện xã hội giúp chúng ta rất nhiều trong việc xây dựng và nâng cao năng lực hiểu tiếng Anh qua nghe. Tuy nhiên khi chúng ta ở trong môi trường phi bản ngữ thì năng lực này có lẽ khó tạo dựng nhất. Cũng chính vì thế chỉ có học đúng hướng mới giúp ta thành công.

NGHE LẤY THÔNG TIN CHÍNH
Khi nghe tiếng Anh, ý chính của câu thể hiện bằng những từ quan trọng có trọng âm trong câu. Đấy là ở cấp độ câu. Nhưng khi ghép các câu vào trong một đoạn thì không phải câu nào cũng là ý chính. Chỉ có những câu quan trọng mới mang nghĩa chính.

Khó hơn thế nữa là có những thông điệp phải tổng hợp ý nghĩa của tất cả các câu trong đó mới toát lên ý chính. Đây chính là những bình diện khó trong nghe hiểu.
Chúng ta thấy khi nghe cần có mục đích rõ ràng. Đây cũng chính là yếu tố đòi hỏi chúng ta phải tìm kiếm kỹ thuật thích hợp để đáp ứng yêu cầu của mình.

NGHE LẤY THÔNG TIN CHI TIẾT
Sau những ý chính chúng ta phải có những ý phát triển ý chính. Đó chính là ý hổ trợ. Mối quan hệ giữa ý chính và các ý hỗ trợ rất khăng khít nên chúng ta có nắm bắt được ý chính thì mới nắm bắt được các ý hỗ trợ. Trong các ý hỗ trợ có những ý quan trọng hơn và những ý ít quan trọng.
Khi hiểu mình rất chủ động và tự tin, còn nếu mình không hiểu thì mình rất bị động và lúng túng.
Theo tôi các bạn cứ nghe hoài, nghe mãi, nghe trong khung cảnh (tình huống) nghe sẽ tạo cho mình phản xạ rất tốt. Muốn không sợ thì các bạn cứ nghe.
Nếu một cách lý tưởng, khi nghe chúng ta cần nghe được và nhớ được tất cả những ý hỗ trợ ý chính. Nó đòi hỏi phải khổ công rèn luyện năng lực nghe nắm bắt các ý phụ trợ cho một ý chính.
Quy trình của chúng ta bao giờ cũng là nghe lấy ý chính, rồi mới tìm kiếm những ý hỗ trợ.
Để thực hiện một quy trình nghe một cách đầy đủ, chúng ta phải đáp ứng những tiêu chí sau:
– Nhanh chóng phát hiện chủ đề nghe. Nắm bắt được chủ đề, chúng ta sẽ nghe một cách chủ động hơn.
– Phải có kiến thức nền tốt (về chủ đề sẽ nghe). Kiến thức nền tạo điều kiện cho chúng ta một năng lực hiểu cao.

– Có phản xạ nhanh, phát hiện các ý chính và ý hỗ trợ, thông qua luyện tập.
Thường khi luyện nghe, chúng ta thực hiện theo ba bước: phát hiện chủ đề, lấy ý chính, lấy những thông tin chi tiết.

NGHE LẤY THÔNG TIN CẦN ĐẾN

Trong sinh hoạt hằng ngày, có nhiều trường hợp chúng ta nghe theo yêu cầu riêng của mình, tức là chỉ nghe những thông tin mình đang tìm kiếm.
Trong khi nghe chúng ta thường nói là chúng ta phải phát hiện chủ đề. Đó là bước đầu tiên của quy trình nghe. Nhưng sau đó phải đặt cho mình một mục đích: Ta đang cần nghe cái gì? Vậy là sẽ có cái ta không cần nghe.
Như vậy nguyên tắc chung là người nghe chỉ nghe những điều có liên quan đến mục đích nghe của mình, bỏ qua tất cả các thông tin khác. Có một yếu tố giúp ta làm điều này, đó là những từ có tính chất báo hiệu, đây là những đầu mối để nắm bắt thông tin mình cần đến.
Nhưng cái mà tôi luyện tập là khi đài nói ra một từ tiếng Anh, trong đầu tôi lại hiện ra một chữ tương ứng. Khi họ nói ra cả câu, tôi cũng hình dung ra cả câu đó viết như thế nào. Dần dần tôi biết được khả năng của mình là khả năng nhìn vào mặt chữ thì dễ thuộc hơn là nghe để nhớ. Do đó khi nghe câu gì thì hình dung ra thành chữ, rồi từ đấy mà giải nghĩa. Đó là một trong những kỹ năng mà tôi sử dụng.
Xin chú ý, yếu tố báo hiệu, không phải chỉ là một từ. Nó có thể là một nhóm từ hoặc một câu hoàn chỉnh.
NHÌN THẤY NHỮNG ĐIỀU MÌNH NGHE
Để nghe có hiệu quả chúng ta phải xây dựng được hình ảnh trong óc khi nghe tiếng Anh.
Khi nghe không phải chúng ta có thể nắm được tất cả các từ trong câu, vì nhiều lý do. Nhưng yêu cầu của hoạt động nghe là chúng ta phải nắm được tất cả các sự kiện mà người nói đề cập đến.
Trước hết điều quan trọng trong khi nghe là chúng ta phải mường tượng ra được hình ảnh mà người nói đề cập đến. Hay nói cách khác, chúng ta phải “nhìn thấy được những điều ta nghe”. Nếu làm được như vậy, chúng ta mới dễ nhớ và nhớ một cách có hệ thống. Khi nghe ai miêu tả một cảnh nào, một sự kiện nào, nếu chúng ta nhắm mắt lại để nghe thì hình như ta thấy sự kiện đấy cứ nổi dần lên trước mắt ta. Tức là chúng ta cảm thấy như mình đang ở trong sự kiện đấy.
Kỹ thuật này giúp người nghe nhận diện được văn cảnh, nắm bắt được tình huống, và nhờ đó phán đoán được các từ quan trọng để hiểu được toàn bộ thông điệp.
Nếu chúng ta thường xuyên luyện tập kỹ thuật này thì sau một thời gian, khả năng phán đoán nội dung thông điệp bằng văn cảnh của ta sẽ tiến bộ rõ ràng. Đồng thời nó giúp cho chúng ta rút ngắn giai đoạn tiến tới tư duy bằng ngoại ngữ khi nói.

NGHE – CHÉP CHÍNH TẢ

Dùng để học tiếng Anh bằng các tài liệu VOA
B1: Nghe để nắm được chủ đề và sơ lược nội dung bài viết. Trong khi nghe, ghi lại những từ quan trọng trong câu.
B2: Dựng lại thông điệp bằng cách dựng lại từng câu và ghép các câu lại thành bài. Thông điệp này song song với thông điệp gốc chứ không phải là chép là nguyên si bản gốc.
B3: Trình bày nội dung thông điệp bằng cách đọc phát ra tiếng.


Add a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *