Cú vấp ngôn ngữ của nữ sinh Việt khi du học Mỹ
|‘Là học sinh luôn đứng đầu lớp ở Việt Nam với trên 9 điểm môn tiếng Anh, nhưng ngày đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ, mình chỉ bập bõm nghe được vài từ trong cả đoạn hội thoại’, Vy Nguyễn, sinh viên Đại học bang Arizona (Mỹ) nói.
Vy Nguyễn (23 tuổi) hiện là sinh viên ngành Kinh tế của một trong những đại học công lập lớn nhất nước Mỹ – Arizona State University – top 200 đại học tốt nhất thế giới. Trước đó, Vy học từ cấp 1 đến năm lớp 11 tại các trường ở thành phố Biên Hoà (Đồng Nai).
Vy cho biết, khi ở Việt Nam, em được học tiếng Anh theo đúng chương trình mà Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn, bắt đầu từ năm lớp 3. Suốt 9 năm, em luôn dẫn đầu lớp về thành tích học tập môn Ngoại ngữ với điểm tổng kết trên 9 phẩy. “Giống như bao gia đình khác, ba mẹ em hết năm này tới năm khác đưa em đi học thêm tiếng Anh. Nhưng, việc học không đi đôi với hành dẫn đến hậu quả nghiêm trọng trong cách dạy – học lúc bấy giờ. Điểm số cao em đạt được ở trường hoàn toàn trái ngược với khả năng giao tiếp, học tập bằng tiếng Anh khi em va vấp ngoài thực tế”, Vy chia sẻ.
Vy Nguyễn là học sinh giỏi tiếng Anh ở Việt Nam nhưng khi sang Mỹ định cư đã gặp nhiều ‘cú vấp’ về ngôn ngữ
Nữ sinh này kể, khi học ở trường Việt Nam, các thầy cô chủ yếu chú trọng ngữ pháp, đọc, viết tiếng Anh. Môn nghe cả khối có 6 lớp mà chỉ có một máy cassette, lớp này dùng rồi, lớp kia phải thôi. Băng nghe cũng rè đến nỗi thầy cô tăng âm lượng lên cao nhất vẫn khó phân biệt được chữ nào. Mỗi giáo viên lại có một cách luyện phát âm khác nhau nên cứ “mỗi năm học mình lại phải đổi từ phát âm kiểu Mỹ sang Anh hoặc ngược lại, theo hướng mà thầy cô giáo mới dạy”, Vy kể.
Vy đảm bảo hầu hết bạn cùng trang lứa và cả nhiều thế hệ học sinh sau này, nhất là ở vùng nông thôn, đều được học bài nói quen thuộc, theo cấu trúc xuyên suốt cấp 1 đến cấp 2:
“Hi/Hello
How are you? I am fine. Thank you, and you.
What is your name?
How old are you?
That house is red/ My house is small”
Với cách học nghe – nói như vậy nên khi thực sự giao tiếp với người bản xứ, Vy đã có những trải nghiệm mà em tự nhận là “rất bi thương”. “Là học sinh đứng đầu lớp trong môn tiếng Anh với toàn trên 9 điểm nhưng ngày đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ, em chỉ bập bõm nghe được vài từ trong cả đoạn hội thoại”, Vy chia sẻ. Lúc đầu Vy cảm tưởng họ nói rất nhanh nhưng một thời gian sau nhận ra là mình bị lỗi trong cách phát âm và cần học lại từ cơ bản nhất.
Theo Vy, khi ở Việt Nam em học nghe theo băng của người Anh với cách nói chậm rãi, còn người Mỹ thường không câu nệ tiểu tiết, nhiều câu nói không hề chú trọng đến cấu trúc ngữ pháp. Người Mỹ có thói quen nói nối các từ dẫn đến việc nghe càng khó khăn hơn. “Lại một lần nữa em bị bất lợi khi quen được học tập trung vào vào ngữ pháp ở trường Việt Nam. Điều này khiến em mất rất nhiều thời gian để hoàn thành một câu. Trong khi nói, mình luôn phải suy nghĩ, lúc này nên chia thì gì, sử dụng từ này có đúng chuẩn chưa”, Vy kể.
Nữ sinh cho hay, ở Mỹ cũng giống Việt Nam, có cách phát âm theo vùng miền, mỗi bang có cách nói hơi khác một chút. Vì vậy, theo em việc nói tiếng Anh đến trình độ hoàn hảo chỉ là một khái niệm, quan trọng trong ngôn ngữ chính là hiểu được người ta muốn nói gì, làm sao để người nghe hiểu được điều mình cần nói. “Vũ khí bí mật trong nhiều năm của mình đó là body language – ngôn ngữ cơ thể. Hãy cứ vận dụng hết những gì bạn có và đừng ngại nói. Giao tiếp càng nhiều bạn sẽ nói càng tốt”, nữ sinh với kinh nghiệm 7 năm sống tại Mỹ tư vấn.
Về ngữ pháp, theo Vy Nguyễn, các thầy cô ở Việt Nam của em đã làm rất tốt trong việc chọn lọc những bí quyết để học cấu trúc câu, luyện nhớ nhanh. Điều này giúp các học sinh không gặp khó khăn trong việc viết câu đơn giản chuẩn ngữ pháp, chia đúng thì. Tuy nhiên, việc viết một câu tiếng Anh đã được đúc kết lại như một công thức Toán học, khiến học sinh sau này không linh động trong văn viết. Lúc vào đại học hoặc học nâng cao hơn, một bài văn kiểu học sinh cấp 3 với những câu theo công thức có sẵn ấy khó lòng ghi được điểm cao.
“Mình đã gặp khó khăn và phải mất một thời gian để thay đổi ít nhiều cách viết câu. Ban đầu mình không biết cách nối câu hoàn chỉnh và luôn chọn cách viết những câu rất đơn giản, ngắn gọn làm sao cho vừa đủ chủ ngữ, bổ ngữ và vị ngữ. Việc ít trau dồi từ mới, lựa chọn những từ vựng đơn giản khiến cho bài văn trở nên đơn điệu”, Vy chia sẻ.
Em cho biết, hầu hết người Việt Nam mới sang Mỹ sẽ bắt đầu với các lớp ESL (English as a second language) – dạy lại tiếng Anh cho mọi người. Với cá nhân Vy, chương trình ngữ pháp và đọc của lớp học này dễ hơn rất nhiều so với các bài học ở Việt Nam. Tuy nhiên, nó lại khá hiệu quả. Chính vì trước đây bỏ qua nền móng cơ bản nên em và nhiều bạn dù có thể chia thì chính xác cho một câu văn nhưng hoàn toàn không hiểu tại sao và lúc nào thì cần sử dụng thì đó.
Về phần đọc, Vy cho rằng các thầy cô Việt Nam có phương pháp dạy khá tốt, giúp em khi sang Mỹ không gặp quá nhiều khó khăn trong đọc văn bản. Nữ sinh này chia sẻ, điều quan trọng khi học kỹ năng này nằm ở tính nhanh nhạy nắm được ý chính. Lời khuyên của em dành cho các bạn Việt Nam khi học tiếng Anh là “phải siêng đọc sách”. “Các bạn đọc có thể không hiểu hết, hay phải đọc đi đọc lại một đoạn nào đó. Nhưng nếu cứ đọc thường xuyên bạn sẽ có cải thiện rõ rệt trong việc tìm ý chính cho phần trả lời câu hỏi”, Vy chia sẻ.
Nguồn: vnexpress